Thật ra bệnh nha chu có thể điều trị khỏi hay không chỉ mang tính tương đối. Bệnh viêm nha chu do vi khuẩn tấn công vào nướu, dây chằng nha chu (nối chân răng vào xương ổ răng), xương ổ răng và cement (lớp mô bao quanh chân răng) gây phá hủy các cấu trúc này, khiến răng không còn sự nâng đỡ, bảo vệ.
Dấu hiệu quan trọng nhất của
viêm
nha chu là các "túi nha chu" bao quanh răng. Túi này là do xương ổ răng bao quanh chân răng bị tiêu đi trầm trọng, khiến bao quanh răng lúc này là 1 "túi" có thành ngoài là nướu, thành trong là bề mặt răng, đáy túi là xương ổ. Việc xuất hiện các túi này khiến việc cạo vôi răng làm sạch không đơn giản (vi khuẩn gây hại sống trên bề mặt vôi răng rất nhiều) do dụng cụ cạo vôi không đi hết xuống tới đáy túi để làm sạch được mà cần có dụng cụ đặc biệt. Do vậy
cạo vôi răng
thông thường không trị được
viêm nha chu.
Sau khi áp dụng các biện pháp đặc biệt để trị viêm nha chu, bệnh nhân hết sạch vôi răng, vi khuẩn gây hại không phát triển nữa, việc tiêu xương, dây chằng... dừng hẳn lại -> giai đoạn này được xem là trị "khỏi" viêm nha chu. Tuy nhiên xương đã tiêu không sinh sản lại được nữa nên "túi" vẫn còn và là yếu tố thuận lợi để vôi răng tiếp tục bám vào. Vôi bám đủ lâu để vi khuẩn gây hại bắt đầu sinh sôi thì viêm nha chu quay lại. Như vậy nói "không khỏi được" cũng là ý đúng.
Vì vậy, bạn vẫn có thể trị "khỏi" được, nghĩa là răng cứng lại, không còn mùi khó chịu, không còn chảy máu... nhưng sau khi trị xong mỗi tháng bạn nên quay lại cạo vôi 1 lần, hoặc ít ra là 2 tháng, để vôi răng mới hình thành chưa kịp gây hại cho bạn.
Việc sau mỗi lần lấy vôi có cảm giác răng lung lay chỉ là tác dụng phụ mà thôi, do trước đây vôi răng đóng quá nhiều và cứng giống như "bức tường đá" khiến chân răng bạn giữ yên, bây giờ cạo đi thì chân răng bị lung lay, nhưng nếu không điều trị thì xương ngày một tiêu đi đến lúc không còn xương bao quanh chân răng nữa thì răng sẽ tự rụng. Sau khi điều trị đầy đủ răng bạn sẽ cứng lại thôi.